[ĐMBK | Nhàn tản] Ghi chép thôn Vũ 4 – Điền viên 64

Chương 64

Tác giả: Nam Phái Tam Thúc
Dịch: Hỏa Dực Phi Phi

Chúng tôi khó khăn đi tới trong bụi cây, men theo đường ray đi được một đoạn, tôi phát hiện đường ray chạy dọc tường vây quanh khu xưởng, chứ không vào trong xưởng – hoặc là nói, ít nhất đoạn này không đi vào, vì thế chúng tôi rời khỏi đường ray, tìm một cái lỗ trên tường chui vào.

Ánh trăng chiếu lên phế tích kiến trúc khu xưởng, tòa nhà cao nhất cũng chỉ có khoảng ba tầng, tường ngoài đều bị dây tơ hồng bao phủ.

Bàn Tử lẩm bẩm nói: “Chỗ nào sao lại trông giống một trường học.”

“Đây không phải một trường học đơn thuần.” tôi nói: “Trước đây kiểu nhà xưởng này rất lớn, trong đó có bệnh viện, trường học, phòng thể chất, gần như là một khuôn viên sinh hoạt cỡ nhỏ.”

“Xây dựng binh đoàn chứ gì.” Bàn Tử khinh thường: “Chẳng lẽ Bàn gia còn không rành mấy chuyện này bằng cậu sao.”

Dưới ánh trăng, chúng tôi nhìn thấy phía trước phế tích gần nhất là một khoảng đất trống, có lẽ là sân vận động, cỏ trên đó đã cao ngang thắt lưng. Những bụi gai thế này, bên trong chắc chắn sẽ có rắn, Bàn Tử tìm gậy gộc để đánh cỏ động rắn.

Đi đến trước tòa nhà, chúng tôi đạp lên nền xi măng, phát hiện cửa và khung cửa sổ gỗ đều đã mục nát, bên trong đúng là phòng học, thế mà còn rất sạch sẽ.

Bàn học đều vẫn còn, ba chúng tôi đi vào, Bàn Tử nhìn thấy bên cửa có dây kéo đèn kiểu cũ bằng nhựa, thì đưa tay giật thử một cái, vốn dĩ không hề trông chờ sẽ có phản ứng, kết quả đèn lại sáng lên, còn là loại đèn dây tóc ánh sáng vàng, Bàn Tử lộ vẻ mặt kinh ngạc: “Lại còn có điện à.”

“Có thể cấp bậc của khu xưởng này rất cao.” tôi nói, “Cho nên còn mở tài khoản ở sở điện lực, điện chắc là được truyền tới đây bằng cáp điện ngầm.”

“Vậy thì chất lượng bóng đèn và dây điện đúng là tốt.” Bàn Tử nói, đi xem dây điện trên tường, cơ sở hạ tầng trong khu xưởng công nghiệp đúng là vô cùng chắc chắn, dây điện phải to bằng ngón tay.

Tôi nhìn quanh phòng học này, trước sau đều là bảng đen, cái trước để giáo viên giảng bài, cái sau thì dùng để làm báo bảng. Trên tường còn dán rất nhiều giấy, trên đó viết tên người, có lịch trực nhật, bảng đánh giá vệ sinh, giấy khen, thông báo vân vân.

Những người này hiện giờ tuổi đều đã quá ngũ tuần, có thể có những người đã không còn nữa. Trước đây tôi nhìn thấy dấu vết cuộc sống của người xưa, sẽ luôn nghĩ: người mấy ngàn năm trước, trạng thái cuộc sống của họ sẽ như thế nào? Bọn họ đang nghĩ gì? Bọn họ có thể đoán được tương lai sẽ có một ngày, tôi sẽ tiếp xúc với bọn họ ở một nơi nào đó không?

Tôi nhớ từng nhìn thấy một cái bàn trong không gian chật chội dưới lòng đất, trên đó còn đặt mấy cái chén và một vò rượu, phảng phất như người năm ấy ngồi phía đối diện bàn, đang nhìn vào bạn.

Rất kinh dị, cũng rất thần kỳ, sẽ khiến ta nổi da gà da vịt. Tôi dám cá, đối phương cũng sẽ sởn gai ốc.

Khi mọi thứ đã mục nát gần hết, từ những chi tiết này bạn vẫn có thể cảm nhận được nhiệt độ của người sống.

Lúc này tôi nhìn những dấu vết cuộc sống của người mấy chục năm trước, cảm giác ấy lại khác với cổ nhân.

Người nằm trong ngôi mộ chật chội thời cổ đại, tuy cuộc đời của họ cao thấp khác nhau, nhưng cõi đi về đã chỉ ra rõ, dù thế nào đi nữa, bọn họ đều xem như không uổng kiếp này.

Mà người bình thường, cuộn tấm chiếu là đem chôn, đồng không mông quạnh chính là cõi đi về, làm gì có mộ phần.

Nhưng những đứa trẻ năm xưa ngồi học trong phòng học này, cuộc đời của họ giờ vẫn đang tiếp diễn, những đứa trẻ ấy hiện tại đang làm gì? Cuộc sống có hạnh phúc không?

Mà các bạn của tôi lại đang làm gì? Giờ phút này, dường như tôi cảm nhận được mọi người, cảm thấy chúng tôi đang tồn tại trong cùng một thời không, cùng xuôi theo vận mệnh tiến về phía trước.

Ở cùng một thời điểm, có ngần ấy người sống, có bao nhiêu cảm xúc diễn ra, có bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu vui mừng, bao nhiêu yêu và hận tồn tại.

Thời không giống nhau, cơ bản không cần một nhân vật chính, bản thân sự tồn tại đã là không đáng kể rồi.

Chúng tôi đi tới trước bảng đen, phấn trên bục giảng đã bị ẩm, tan thành từng đống từng đống gì đó trông như bùn.

Bàn Tử kéo ngăn tủ ra, bên trong còn cất mấy hộp phấn chưa bóc vỏ, dù lớp bên ngoài cũng đã mục nát, nhưng mở ra rồi, phần chính giữa không ngờ vẫn còn dùng được.

Bàn Tử nhìn bảng đen hỏi: “Viết gì đó không?”

“Chi vậy, thấy bảng đen thì muốn viết sao?”

“Trước đây lúc tôi còn đi học, bảng đen chính là lãnh địa tuyệt đối của giáo viên, Bàn gia tôi chỉ có thể nhìn, nếu dám tùy tiện viết mấy chữ, sẽ là tội lớn. Tôi liền nghĩ, rồi sẽ có một ngày, tôi phải bước lên muốn viết gì thì viết đó.”

Thực ra tôi và Bàn Tử có suy nghĩ giống nhau, tuy tuổi tác của hai chúng tôi khác nhau, nhưng có cùng một nỗi kiêng dè với bảng đen.

Bây giờ cuối cùng cũng đến ngày khinh nhờn, tuy rằng đã muộn rồi.

Bàn Tử viết tên thật của mình lên bảng đen – hắn rất ít khi viết tên thật – sau đó đưa viên phấn cho tôi.

Tôi cũng viết tên của mình lên.

Kế đó tôi lại đưa phấn cho Muộn Du Bình, y ngập ngừng giây lát, dường như đang nghĩ ngợi, cũng hình như đang suy tính.

Không ai biết tên thật của y là gì, y chính là Trương Khởi Linh, trước khi y trở thành Trương Khởi Linh, hình như cũng không có tên.

Y sẽ viết tên thật của mình chứ? Hay là, sẽ viết cái tên mụ xưa cũ đã không còn tồn tại từ lâu?

Đây là một thời khắc khiến tim tôi đập loạn xạ.

……

……

……

……

Cuối cùng, phía sau tên ba chúng tôi, Bàn Tử bổ sung thêm bốn chữ “Đã đến nơi đây”.

Tôi sẽ không nói ra Muộn Du Bình đã viết những gì.

Trên bảng đen của một phòng học bị bỏ hoang nào đó trong núi Phúc Kiến, viết một cái tên xa lạ. Trên thế giới này, chỉ có mấy chữ trên bảng đen đó, trước đây không có, sau này cũng sẽ không có.

Có lẽ…

Đây chỉ là cái tên y thích nhất trong vô số tên giả.

Cũng có lẽ…

Đây là xưng hô nghe nhiều thành quen, như sấm bên tai.

Dù thế nào đi nữa, đều có hai cái tên khác được viết cạnh bên cái tên này, nói với thời không này, chúng tôi từng cùng nhau tồn tại.

Có gió lùa qua phòng học, ba chúng tôi giống như đám trẻ nghịch ngợm, trốn khỏi giảng đường, như thể nơi này chưa từng bị hoang phế.

Một suy nghĩ 3 thoughts on “[ĐMBK | Nhàn tản] Ghi chép thôn Vũ 4 – Điền viên 64

Góp ý